Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Đây là vấn đề được ông Vũ Quang Long, đại diện của Tập đoàn Thaco nêu ra tại Hội thảo: Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

    Thaco: 98% dân số chưa có ô tô nhưng cứ sợ tắc đường mà đặt ra thuế phí cao thì sao phát triển được ngành?
    Đại diện Thaco, ông Vũ Quang Long nói rằng dù đã chủ động xây dựng cụm công nghiệp ở Quảng Nam và đã có 23 công ty con sản xuất linh kiện phụ trợ nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ cho một chiếc ô tô. “Chúng tôi phải nhập rất nhiều linh kiện. Trước mắt chúng tôi tìm mua linh kiện được doanh nghiệp sản xuất trong nước, các đơn vị này chủ yếu nằm ở phía Bắc, lượng còn lại phải nhập khẩu về”, ông Long cho biết.
    Câu chuyện khó khăn của ngành công nghiệp ô tô, như ông Long nhận xét là đã cũ, bởi lẽ ai cũng biết, thậm chí đến đề xuất cũng được đưa ra nhiều đến nỗi “giờ không kể hết được”.
    “Bên cạnh việc thuế suất về 0% vào năm 2018 thì còn có yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải 2 năm thay đổi một lần, rồi phí logistic quá cao, hơn 20% so với các nước khác...” ông Long nói.
    Cụ thể, như ông chỉ ra, xe nhập khẩu chuyển từ Thái Lan, Hàn Quốc về Việt Nam mất khoảng 5 triệu đồng, nhưng chuyển từ Hải Phòng về miền Trung lại mất từ 3 – 4 triệu đồng.
    “Nói ra thì nghịch lý nhưng nó là như thế. Ai cũng nhìn thấy khó, nhưng tháo gỡ thế nào thì cần xem xét”, ông Long cho biết.
    Đại diện của Thaco cho rằng chính sách ô tô cần phải đồng bộ và ổn định nhằm giúp thị trường bền vững. Tuy nhiên, không thể ngồi đợi mà có thị trường mà phải tạo ra thị trường.
    “98% dân số chưa có ô tô, nhu cầu lớn nhưng thực tế lại sợ ô tô làm tắc đường nên đưa ra các loại phí thuế để làm giảm lượng ô tô ra đường, sao phát triển ngành được?”, ông Long cho biết.
    Thay vào đó, ông đề xuất phải đầu tư thêm hạ tầng, xây dựng cầu đường, phát triển khu công nghiệp nằm xa thành phố... tạo điều kiện để ô tô có thể phát triển.
    Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, Viện Chiến lược Chính sách Công nghiệp Bộ Công thương. Bà Thuý cho biết thị trường Việt Nam giai đoạn từ 2009 - 2011 có đà tăng trưởng tốt, tốc độ phát triển ngành công nghiệp ô tô từ 19 - 20%, nhưng đến năm 2012, hàng loạt chính sách tăng thuế được địa phương nêu ra với lý do "ô tô gây tắc, cần đánh thuế sử dụng", dù đề nghị nhưng đã khiến thị trường suy giảm mạnh.
    " Tất cả các chính sách sau đó đều không rõ ràng khiến thị trường suy giảm không lý do. Hết năm 2012, Chính phủ đã nhìn nhận lại và thay đổi, đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, công nghiệp ô tô vẫn đang bị độ co giãn thị trường do ảnh hưởng chính sách lớn", bà nói.
    Do đó, theo bà, một trong những điều quan trọng để ngành công nghiệp ô tô phát triển được là phải có sự đảm bảo, ổn định thị trường.

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét