Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo đứng thứ 2 trong số 30 thành phố châu Á có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh nhất trong giai đoạn 2017-2021.
Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố từ Oxford Economics, Delhi, Ấn Độ sẽ là thành phố phát triển nhanh nhất châu Á trong 5 năm tới. Đứng ngay sau nó là Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng này thuộc về Chennai, một thành phố khác của Ấn Độ . Tổng cộng 6/7 vị trí dẫn đầu bảng đánh giá của Oxford Economics đều là thành phố của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị duy nhất ngoài Ấn Độ nằm trong nhóm 7 thành phố dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Điều này phản ánh thành công của thành phố trong việc chuyển mình trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ. Dự đoán tới năm 2021, tăng trưởng GDP của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt tới xấp xỉ 8%.
Ngoài 7 thành phố của Ấn Độ, bảng xếp hạng còn có sự hiện diện của 6 thành phố ASEAN, 7 thành phố Trung Quốc và các vùng lãnh thổ, 5 thành phố Đông Á và 6 thành phố của Australia và New Zealand. Việt Nam chỉ có đại diện duy nhất là Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong bảng xếp hạng này.
Lý giải cho sự lên ngôi của các thành phố Ấn Độ, Mark Britton, nhà kinh tế học trực tiếp xây dựng báo cáo, cho rằng: “Hạn chế về quyền sở hữu của nước ngoài với các công ty Ấn Độ đang được giảm dần hoặc loại bỏ. Trong ngắn hạn, điều này có lợi cho tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp còn về dài hạn, nó có nghĩa là doanh thu ổn định cho các doanh nghiệp”.
Các công ty tiêu dùng như Muji của Nhật Bản cũng đang đặt cược vào sự thay đổi đó. Công ty mẹ của nó là Ryohin Keikaku Co. nhìn thấy Ấn Độ đang trở thành thị trường quốc tế lớn thứ 2 sau Trung Quốc.
Trong khi đó, sự mở rộng của Trung Quốc sẽ chậm lại, dù năm thành phố lớn nhất của nó vẫn đạt mức tăng trưởng từ 6% trở lên. Sẽ có sự suy thoái nhẹ trên toàn khu vực do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm và tốc độ tăng trưởng trung bình dự kiến đạt 4,2%/năm trong 5 năm tới, giảm từ 4,5% trong giai đoạn 2012-2016.
Thiên Tân được dự báo có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất ở Trung Quốc do đóng vai trò lớn trong sản xuất đồng thời là một trong những cảng bận rộn bậc nhất của quốc gia này. Tuy nhiên, khi lĩnh vực dịch vụ mở rộng, ngành sản xuất và vận tải biển có thể không còn đóng vai trò hỗ trợ quan trọng như hiện nay.
Với Nhật Bản, triển vọng tăng trưởng vẫn sẽ ở mức thấp trong bối cảnh triển vọng nhân khẩu học ở quốc gia này không lấy gì làm lạc quan. Osaka lọt vào bảng xếp hạng của Oxford Economics khi dân số trong độ tuổi lao động của thành phố giảm khoảng 1%/năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét