Việt Nam đã có những bước tiến rất ấn tượng trong việc nắm bắt cuộc cách mạng số. Mặc dù còn là nước thu nhập khá thấp, nhưng Việt Nam đã đi nhanh hơn nhiều nước trong phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tiến tới được nỗ lực khai thác cuộc cách mạng số như là động lực chủ đạo cho công cuộc phát triển.
Đây là nhận định của PGS. TS Vũ Minh Khương – chuyên gia cao cấp về chính sách phát triển kinh tế, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) với báo chí khi nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Nguyễn Minh Khương nói rằng thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng có với nhịp độ nhanh và quy mô ngày càng sâu rộng. Trong những động lực chủ đạo và định hình nền kinh tế thế giới đang phải kể đến 3 xu thế lớn.
Thứ nhất đó là những biến động ngày càng lớn và nhiều biến động có thể là những điều trước đó được coi là không thể nào xảy ra.
Thứ hai, toàn cầu hoá có xu thế chậm lại về thương mại hàng hoá, nhưng lại nhanh hơn, mạnh mẽ hơn về thương mại dịch vụ, lưu chuyển thông tin, và trao đổi kiến thức.
Thứ ba, đó là công nghệ thông tin tiếp tục có những bước nhảy vọt tạo nên những đổi thay phi thường mà sẽ tiếp tục thay đổi chóng mặt hơn nữa trong các thập kỷ sắp tới.
“Trong đà thay đổi vũ bão này, xã hội đang chuyển sang kỷ nguyên thông minh với sự xuất hiện và thâm nhập nhanh chóng của các công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo đến điện toán đám mây. Riêng với kinh tế người ta nói đến cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Khương chia sẻ.
Ông cho biết thành công của một thời kỳ phụ thuộc vào 5 yếu tố, bắt đầu bằng 5 chữ C trong tiếng Anh, gồm: Concept (quan niệm) – Commitment (cam kết) – Competence (năng lực) – Connectivity (kết nối) và Coordination (phối hợp).
Trong đó, Concept nhấn mạnh sự sáng rõ và tầm chiến lược của nhận thức. “Nó như la bàn dẫn đường cho toàn bộ nỗ lực hành động”, ông Khương nói.
Còn Commitment đo tầm cao mục tiêu đạt tới và quyết tâm hành động. Competence là khả năng tiếp thu, sáng tạo và thực thi. Yếu tố Connectivity phản ánh điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng viễn thông. Cuối cùng, Coordination thể hiện khả năng phân phối thuộc sức mạnh triển khai thực hiện.
TS. Khương nhận định Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng trong cuộc cách mạng số, trong đó, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đã đi nhanh hơn nhiều nước. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nắm bắt nhanh chứ chưa tiến tới nỗ lực khai thác cuộc cách mạng số như là một động lực trong công cuộc phát triển.
Trên thực tế, với 5 chữ C trên, Việt Nam mới chỉ dùng ở mức trung bình khá, chứ chưa thực sự xuất sắc ở bất cứ yếu tố nào. Ví dụ, ở chữ C thứ 3: Competence, nguồn nhân lực Việt Nam dù dồi dào, tiềm năng lớn nhưng chưa có lượng chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ số có đẳng cấp toàn cầu. Hay như ở Connectivity, hệ thống hạ tầng của Việt Nam đáng tự hào nhưng lại khiến cho người ta thắc mắc tại sau 3G phát triển mạnh còn 4G lại bị chậm...
Do đó, TS. Vũ Minh Khương khuyến cáo để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo và có những quyết sách phù hợp để nâng cao hiệu quả của cả 5 chữ C.
Bên cạnh đó, ông Khương cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt cần phải nhận thức được đang đứng trước một cơ hội chưa từng xuất hiện, đồng thời, phải đề ra các biện pháp ứng phó trước nhưng biến đổi khó lường. Ông nhấn mạnh cần phải hoạch định một chiến lược cạnh tranh và phát triển với tầm nhìn lâu dài. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ông, nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn đang bị thiếu điều này.
Ông cũng nói thêm rằng ở nhiều nước, vai trò của Chính phủ trong thời kỳ đầu phát triển là cực kỳ quan trọng. Trong đó, không chỉ dừng ở quản lý, đưa ra các chính sách khuyến khích, Chính phủ còn đóng vai trò người hội tụ các doanh nghiệp để họ cùng bàn luận và kịp thời đưa ra những chính sách tổng hợp, giúp các doanh nghiệp liên tục đổi mới, sáng tạo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét